Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ cách chúng ta sống và làm việc. Chúng ta đã chứng kiến không chỉ sự xuất hiện của các giải pháp phần mềm dịch vụ SaaS (Software as a Service) giúp Doanh nghiệp quản lý mọi hoạt động kinh doanh hàng ngày, mà còn cả sự gia tăng số lượng các nền tảng cung cấp dịch vụ theo yêu cầu (on-demand service platforms) trong đời sống và công việc của chúng ta. Các nền tảng phổ biến có thể kể đến là Netflix trong lĩnh vực giải trí, Uber và Grab cho dịch vụ vận tải, hay Airbnb cho dịch vụ lưu trú, v.v. Các nền tảng cung cấp dịch vụ theo yêu cầu này đã đi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của chúng ta, từ mua bán hàng tiêu dùng, giao thức ăn, và vận tải, đến giải trí, cung cấp các dịch vụ sửa chữa thiết yếu, hay y tế. Trong kinh doanh, chúng ta cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều nền tảng trong lĩnh vực tạo nguồn nhân tài, tuyển dụng và đào tạo. Sự xuất hiện của các nền tảng này đã thay đổi cách Công ty và người lao động kết nối và tìm kiếm nhân tài [1]. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về những lợi ích và thách thức mà các nền tảng cung cấp nhân tài này mang lại cho Doanh nghiệp, và gợi ý các giải pháp để Doanh nghiệp quản lý nhân tài trong thời đại số.
Lợi ích của các nền tảng cung cấp nhân tài đối vơi Doanh nghiệp
Các nền tảng cung cấp nhân tài giúp Doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều nhân tài hơn, từ đó nhanh chóng tìm được nhân sự cho các vị trí bị thiếu hụt
Lợi ích hàng đầu mà các nền tảng cung cấp nhân tài mang lại cho Doanh nghiệp là việc mở rộng nguồn nhân tài và giúp Doanh nghiệp tìm được nhân sự cho các vị trí thiếu hụt ngay khi phát sinh. Đó là bởi vì các nền tảng cung cấp nhân tài nói chung sẽ giúp Doanh nghiệp tìm ra những ứng viên không chủ động tìm việc [1]. Trong khi đó, các sàn giao dịch cung cấp nguồn nhân tài theo yêu cầu sẽ giúp Doanh nghiệp tìm được nhân sự cho các công việc theo dự án hay có tính chuyên môn cao. Đó là bởi vì sẽ thật sự không khôn ngoan về mặt tài chính nếu Doanh nghiệp thuê nhân sự toàn thời gian cho những vị trí này. Ngoài ra, đối với những nhân viên này, nếu Công ty mời họ làm việc toàn thời gian, đây sẽ là một quyết định khó khăn hơn cho họ. Bởi vì họ phải cân nhắc việc rời khỏi sự thoải mái mà họ có được nếu làm việc tự do, hoặc rời công việc hiện tại để đổi lại là những rủi ro tiềm tàng trong môi trường mới mà họ có thể chưa lường trước được. Trong khi đó, việc yêu cầu một gói dịch vụ hoặc một công việc khoán theo thời gian hoặc kết quả công việc sẽ giúp họ ra quyết định dễ dàng và nhanh chóng hơn. Không ai sẽ từ chối một lời mời làm việc như vậy để có được thêm trải nghiệm và thu nhập cao hơn.
Sử dụng tối ưu các nền tảng cung cấp nhân tài giúp giảm chi phí lao động
Biểu đồ 1: Tác động tích cực của các nền tảng cung cấp nhân tài
Một lợi ích khác mà các nền tảng cung cấp nhân tài mang lại cho Doanh nghiệp là giảm các chi phí liên quan đến người lao động. Nghiên cứu của McKinsey’s study đã chỉ ra việc sử dụng các nền tảng cung cấp nhân tài có thể giúp giảm các chi phí lao động thêm 7% [1] (xem Biểu đồ 1). Cụ thể, nhờ việc tìm kiếm nhân tài được triển khai nhanh hơn và hiệu quả hơn và Doanh nghiệp không phải ra các quyết định tuyển dụng vội vàng khi chưa chắc chắn do sợ mất nhân tài, Doanh nghiệp có thể tinh gọn quy trình tuyển dụng của mình. Từ đó, giúp Doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng, chi phí do nhân sự nghỉ việc và chi phí tuyển dụng lại nhân sự. Ngoài ra, nếu Doanh nghiệp tận dụng tối đa các nền tảng cung cấp nhân tài theo yêu cầu, họ sẽ có thể tìm kiếm nhân sự trên toàn thế giới để lấp các vị trí còn thiếu với một mức chi phí hợp lý hơn nhờ chênh lệch về mức lương giữa các nước hoặc do không phải mất chi phí tái định cư nhân sự nước ngoài. (Xem thêm Nền kinh tế Gig – Giải pháp tạo nguồn nhân tài cho chuyển đổi số và thiếu hụt lao động để biết thêm chi tiết)
Sử dụng tối ưu các nền tảng cung cấp nhân tài giúp tăng năng suất
Với các nền tảng cung cấp nhân tài, Doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng được nguồn nhân lực hiệu quả hơn [1] nhờ tìm được nhân tài phù hợp trong thời gian ngắn hơn. Điều này không chỉ thực hiện được trong điều kiện bình thường mà cả khi môi trường kinh doanh có thay đổi. Cụ thể, nếu mục tiêu kinh doanh hay chiến lược của Doanh nghiệp thay đổi để thích nghi với biến động trong môi trường kinh doanh, bằng việc sử dụng các sàn giao dịch cung cấp nhân tài theo yêu cầu, Doanh nghiệp sẽ có thể hoạch định lại nguồn nhân lực một cách linh hoạt và có thể thuê các nhân sự khác ngay lập tức để phù hợp với kế hoạch mới. Ngoài ra, theo nghiên cứu của McKinsey [1], các Doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các nền tảng cung cấp nhân tài có thể tăng 9% về sản phẩm đầu ra và tăng trung bình 275 điểm về lợi nhuận (Xem Biểu đồ 1).
Xem thêm: Digital HR – Khái niệm thay đổi tương lai ngành nhân sự
Lợi ích của các nền tảng cung cấp nhân tài đối với Người Lao động
Các nền tảng cung cấp nhân tài giúp người lao động có được sự độc lập trong kiểm soát công việc
Lợi ích đầu tiên của các nền tảng cung cấp nhân tài đối với Người lao động là sự độc lập trong kiểm soát công việc. Cụ thể, với các nền tảng cung cấp nhân tài theo yêu cầu, họ sẽ có quyền tự chủ để quyết định công việc phù hợp nhất với sở thích và tài năng của mình [6]. Kết quả là, họ sẽ làm việc năng suất hơn và thỏa mãn hơn với công việc của mình. Nghiên cứu của MBO Partners đã chỉ ra 79% người lao động làm việc độc lập toàn thời gian cảm thấy thỏa mãn hơn và hạnh phúc hơn so với khi làm các công việc truyền thống [2].
Các nền tảng cung cấp nhân tài giúp người lao động có được sự linh hoạt và cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Một lợi ích khác mà các nền tảng cung cấp nhân tài mang lại cho người lao động là sự linh hoạt và một cuộc sống cân bằng hơn. Không thể phủ nhận rằng các nền tảng sàn giao dịch cung cấp nhân tài theo yêu cầu sẽ trao cho người lao động quyền quyết định lịch trình và kế hoạch làm việc riêng của họ. Họ quyết định khi nào bắt đầu và khi nào kết thúc công việc. Không ai kiểm soát giờ làm việc hàng ngày của họ miễn là họ thực hiện đúng cam kết về deadline với khách hàng. Họ cũng có thể nghỉ bất cứ khi nào họ muốn để có thời gian cho bản thân hoặc gia đình. Nói một cách đơn giản, họ là ông chủ của chính mình, và sẽ kiểm soát lịch trình và cân bằng công việc – cuộc sống của chính bản thân họ. Điều này được chứng minh bằng sự thật là ít nhất 70% người lao động tự do đã trở thành người lao động độc lập do chính lựa chọn của bản thân để có được sự linh hoạt hơn về thời gian [5].
Các nền tảng cung cấp nhân tài giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn để có thu nhập cao hơn
Bằng việc đăng thông tin của mình lên các nền tảng cung cấp nhân tài như Indeed hay Glassdoor, người lao động sẽ tiếp cận được với nhiều Công ty hơn, từ đó có nhiều cơ hội việc làm hơn. Ngoài ra, người lao động cũng có thể tham gia các sàn giao dịch cung cấp nhân tài theo yêu cầu như Kounselly để có nguồn thu nhập chính thức hoặc để bổ sung thu nhập. Và nhờ việc tiếp cận được với nhiều Công ty hơn, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, dù để kiếm thêm thu nhập hay cho nguồn thu nhập chính. Công việc và dịch vụ mà họ có thể cung cấp cho Công ty cũng đa dạng hơn để thu hút được nhiều Công ty hơn. Ví dụ, nếu người lao động có chuyên môn Marketing, anh ta hoặc cô ta có thể cung cấp gói dịch vụ lập chiến lược và kế hoạch Marketing hoặc gói dịch vụ triển khai và quản lý chiến dịch Marketing. Nhờ đó, họ sẽ có thu nhập cao hơn, đặc biệt là với những người lao động có các kỹ năng đang được nhiều Công ty săn lùng.
Biểu đồ 2. Số lượng Người lao động độc lập toàn thời gian kiếm được từ 100,000 Đô la Mỹ trở lên.
và % trong lực lượng lao động
Theo MBO Partners, thu nhập trung bình năm cho một nhân sự tự do toàn thời gian là 69,000 đô la Mỹ, cao hơn 10,000 so với thu nhập bình quân đầu người của Mỹ [2]. Nghiên cứu của MBO Partners cũng cho thấy số lượng người lao động tự do toàn thời gian có thu nhập cao (tức là những người có thu nhập năm trên 100,000 đô la Mỹ) đang ngày càng tăng và chiếm 20% lực lượng lao động tại Mỹ [2] (Xem Biểu đồ 2).
Các nền tảng cung cấp nhân tài làm cho thị trường lao động minh bạch hơn
Như phân tích bởi McKinsey [1], các nền tảng cung cấp nhân tài đã làm cho thị trường lao động trở nên minh bạch hơn. Đó là bởi vì, với các nền tảng như Glassdoor, người lao động có thể thu thập thông tin về mức lương trên thị trường cho từng vị trí công việc. Nhờ đó, họ có thể so sánh, biết giá trị của mình và kiểm tra xem liệu họ có được trả công bằng hoặc liệu mức lương mà Công ty đang trả họ có đủ cạnh tranh hay không. Họ cũng có thể tìm hiểu đánh giá của các nhân viên cũ và hiện tại về Công ty. Do đó, các Công ty không quản lý tốt sẽ có thương hiệu tuyển dụng xấu và sẽ bị thua thiệt trong việc thu hút nhân tài.
Thách thức cho các Doanh nghiệp từ các nền tảng cung cấp nhân tài
Các nền tảng cung cấp nhân tài gia tăng sự cạnh tranh để thu hút và giữ chân nhân tài
Thông qua các nền tảng cung cấp nhân tài, đối thủ cạnh tranh và các công ty tuyển dụng sẽ dễ dàng tìm ra những nhân sự tốt [1]. Do đó, các Doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn để thu hút và giữ chân nhân tài. Cuộc chiến giành nhân tài sẽ trở nên căng thẳng và thách thức hơn cho các Doanh nghiệp, đặc biệt là những Doanh nghiệp không có thương hiệu tuyển dụng tốt.
Các nền tảng cung cấp nhân tài góp phần làm giảm lực lượng lao động cho các công việc toàn thời gian
Biểu đồ 3. Phần trăm người lao động tự do toàn thời gian cảm thấy công việc của họ ngày càng an toàn hơn
Số lượng người lao động cho các công việc toàn thời gian đang sụt giảm. Lý do không chỉ vì ngày càng ít người lao động tham gia lực lượng lao động, mà còn vì sự gia tăng số lượng người lao động chọn làm việc tự do. Một nghiên cứu năm 2018 đã cho thấy việc trở thành người lao động độc lập tiếp tục trở thành lựa chọn hấp dẫn cho nhiều chuyên gia và người lao động, đặc biệt là những người có các kỹ năng được nhiều nơi săn lùng [2]. Một nghiên cứu của Upwork năm 2020 cũng cho thấy ngày càng nhiều người lao động tri thức tham gia nền kinh tế Gig [3]. Riêng ở Mỹ, khoảng 36% lực lượng lao động là người lao động tự do [3] với 44% coi các công việc tự do là nguồn thu nhập chính [4]. Tỷ lệ người lao động tự do trong lực lượng lao động Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 50% vào năm 2027 và ít hơn 25% người lao động tự do thừa nhận họ sẽ từ bỏ công việc tự do để quay lại với các công việc truyền thống [4].
Lý do khiến một số người lao động thích các công việc truyền thống hơn công việc tự do là vì sự an toàn và ổn định trong công việc. Tuy nhiên, điều này đến nay không còn đúng nữa. Theo nghiên cứu của MBO Partners, ngày càng có nhiều người lao động tự do tin tưởng vào sự ổn định và an toàn công việc của họ. Cụ thể, đến năm 2019, đã có 53% người lao động tự do tin tưởng vào sự an toàn công việc của họ, trong khi con số này vào năm 2011 chỉ có 32% [4] (Xem Biểu đồ 3). Những số liệu này cho thấy sẽ ngày càng có nhiều người lao động chọn làm việc tự do và ít người lao động chọn công việc truyền thống toàn thời gian.
Chiến lược quản lý lao động tổng thể - Giải pháp cho quản lý nhân tài trong thời đại số
Nhận thức rõ những lợi ích cũng như thách thức mà các nền tảng cung cấp nhân tài mang lại cho Doanh nghiệp, các Doanh nghiệp nên xem xét một cách tiếp cận tổng thể hơn với tạo nguồn và quản lý nhân tài. Văn hóa thuê nhân sự toàn thời gian đã không còn là thông lệ phổ biến nữa. Thay vào đó, các Doanh nghiệp và Công ty nên tận dụng tất cả các nền tảng cung cấp nhân tài cũng như tất cả các loại hình lao động để có được sự linh hoạt và hiệu quả nhất trong tạo nguồn và quản lý nhân tài, nhằm mang lại lợi ích cho Công ty. Với phương pháp tiếp cận tổng thể với quản lý nhân tài và một chiến lược quản lý lao động tổng thể (total workforce strategy), các Công ty, Doanh nghiệp không chỉ có thể nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí mà còn có thể tăng khả năng thích nghi với những thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh.
Tổng Kết
Các nền tảng cung cấp nhân tài mang lại cả lợi ích và thách thức cho các Doanh nghiệp. Do đó, văn hóa truyền thống chỉ thuê nhân sự toàn thời gian đã không còn phù hợp. Thay vào đó, các Doanh nghiệp và Công ty nên tận dụng các lợi ích mà công nghệ số mang lại và áp dụng chiến lược quản lý nhân lực tổng thể để dẫn đầu xu hướng và làm chủ tương lai.
Xem thêm: Chiến lược quản trị nhân sự Gen Z
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] S. Lund, J. Manyika, & K. Robinson. “Managing talent in a digital age”. McKinsey Quarterly, 2016. Available: https://www.mckinsey.com/industries/technology-media-and-telecommunications/our-insights/managing-talent-in-a-digital-age
[2] MBO Partners. “The State of Independence in America”. MBO Partners, 2018. Available: https://www.mbopartners.com/wp-content/uploads/2019/02/State_of_Independence_2018.pdf
[3] A. Akhtar. “The pandemic could be turning the gig economy white-collar, if this summer’s new freelancers are any indication. Business Insider, 2020. Available: https://www.businessinsider.in/careers/news/the-pandemic-could-be-turning-the-gig-economy-white-collar-if-this-summers-new-freelancers-are-any-indication/articleshow/78280857.cms
[4] K. Broda. “Gig Economy – The Economic Backbone of the Future?” Brodmin, 2022. Available: https://brodmin.com/case-studies/gig-economy-case-study/
[5] S. Karra. “The Gig or Permanent Worker: Who will dominate the post-pandemic workforce”. Forbes, 2021. Available: https://www.forbes.com/sites/forbeshumanresourcescouncil/2021/05/13/the-gig-or-permanent-worker-who-will-dominate-the-post-pandemic-workforce/
[6]. G. Petriglieri, S. S. Ashford & A. Wrzesniewski. “Thriving in the Gig Economy”. Harvard Business Review, 2018. Available: https://hbr.org/2018/03/thriving-in-the-gig-economy